Vào hôm thứ Ba, đồng USD đã phục hồi so với hầu hết các đồng tiền chính, và đồng yên Nhật ổn định quanh mức cao nhất trong bảy tháng so với đồng tiền của Mỹ. Những biến động trong những ngày gần đây đã đảo ngược phần nào, và tâm lý bình tĩnh đã trở lại trên thị trường.
Tỷ giá USDJPY gần đây nhất đã chạm mức 145,01 – tương đương với mức tăng 0,54% trong ngày – sau khi USD giảm mạnh so với đồng tiền Nhật Bản trong năm phiên liên tiếp. Đồng bạc xanh đã giảm gần 6% so với đồng yên trong năm ngày giao dịch gần đây.
Hành động định giá lại cũng đang diễn ra trên khắp các thị trường chứng khoán, với chỉ số Nikkei tiêu chuẩn của Nhật Bản tăng 10% vào thứ Ba sau khi giảm 12% vào ngày hôm trước. Cùng lúc đó, cổ phiếu ở châu Âu cũng đang nỗ lực phục hồi.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu tình trạng biến động trên thị trường vẫn chưa kết thúc, nhưng rõ ràng là những biến động mạnh mẽ mà chúng ta chứng kiến ngày hôm qua đã phần nào trở lại bình thường”, Axel Merk, chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư của Merk Investments cho biết.
Đà tăng giá gần đây của đồng yên được thúc đẩy bởi biến động thị trường, khiến các nhà đầu tư phải thoát khỏi các giao dịch chênh lệch lãi suất (carry trade) từng rất phổ biến. Quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vào thứ Sáu đã củng cố tác động này.
Giao dịch chênh lệch lãi suất xảy ra khi các nhà đầu tư vay tiền từ các nền kinh tế có lãi suất thấp, chẳng hạn như Nhật Bản hoặc Thụy Sĩ, để tài trợ cho các khoản đầu tư vào các tài sản có lợi suất cao hơn ở những nơi khác với mức độ biến động thấp hơn.
“Có vẻ như thị trường đã phản ứng quá đà trong vài ngày qua”, theo Karl Schamotta – người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường tại Corpay cho biết.
“Chúng tôi đang chứng kiến nhu cầu tài sản an toàn giảm dần và dòng tiền từ từ trở lại bình thường trên hầu hết các cặp tiền chính”.
Chỉ số đô la gần đây nhất đã tăng 0,087% lên mức 102,96.
Đồng franc Thụy Sĩ không thay đổi nhiều so với đồng đô la trong ngày sau khi tăng khoảng 4% kể từ ngày 29 tháng 7.
Giống như đồng yên, đồng franc Thụy Sĩ – một đồng tiền được ưa chuộng sử dụng trong các giao dịch chênh lệch lãi suất – đã tăng mạnh kể từ giữa tháng 7 khi các nhà đầu tư đóng vị thế giao dịch. Mức độ tăng được củng cố bởi dòng tiền chảy vào các tài sản an toàn trong ngày thứ Hai.
Hành động đóng các vị thế giao dịch chênh lệch lãi suất, kết hợp với dữ liệu việc làm của Hoa Kỳ yếu hơn dự kiến được công bố vào thứ Sáu và kết quả kinh doanh đáng thất vọng từ các công ty công nghệ lớn đã gây ra đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu, khiến tình trạng đóng vị thế trở nên nghiêm trọng hơn.
Vào thứ Ba, đồng USD cũng lấy lại được đà phục hồi so với đồng euro và bảng Anh. Đồng tiền chung Châu Âu đã giảm 0,21% xuống còn 1,0928 USD, đạt mức cao nhất trong bảy tháng là 1,1009 USD trong đợt biến động của ngày thứ Hai.
Đồng bảng Anh giảm 0,64% xuống còn 1,2697 USD, mức thấp nhất trong năm tuần. Nguyên nhân đến từ quyết định cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh vào tuần trước đã làm suy yếu một trong những trụ cột tạo nên sức mạnh của đồng tiền này vào đầu năm.
Ngoài ra, những biến động gần đây trên thị trường tiền tệ cũng bắt nguồn từ phản ứng của các nhà giao dịch đối với kỳ vọng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong các cuộc họp sắp tới.
Hiện tại, các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng 110 điểm cơ bản (bps) trong năm nay, với gần 70% khả năng Fed sẽ cắt giảm 50 bps vào tháng 9 – đây là con số thấp hơn so với mức 85% ghi nhận vào thứ Hai.
Trong hôm thứ Hai, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã bày tỏ thái độ phản đối quan điểm cho rằng dữ liệu việc làm yếu hơn dự kiến vào tháng 7 là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang rơi vào tình trạng suy thoái. Họ cũng cảnh báo rằng Fed phải cắt giảm lãi suất để tránh kịch bản đó xảy ra.
Đồng đô la Úc đã tăng 0,55% lên mức 0,6533 USD sau những bình luận từ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Úc Michele Bullock, người cho rằng việc cắt giảm lãi suất vẫn còn xa vời.
Ngân hàng trung ương Úc đã giữ nguyên lãi suất vào thứ Ba như dự kiến, trong khi nhấn mạnh rằng họ không loại trừ bất kỳ biện pháp nào để kiểm soát lạm phát.