Tỷ giá hối đoái cặp EURGBP có thể biến động sau khi dữ liệu lạm phát của Đức được công bố vào ngày mai, tiếp đó là cập nhật tăng trưởng của Vương quốc Anh vào ngày thứ Sáu.
EURUSD – Đồ thị ngày
Tỷ giá EURUSD đã dao động trong một vùng giá nhất định trong hai tuần qua. Chỉ số lạm phát sắp công bố có thể là yếu tố thúc đẩy cặp tiền này bứt phá lên 1,0844 hoặc cao hơn là 1,1200.
Các nhà đầu tư toàn cầu đang kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ có một pha ‘hạ cánh mềm’, với dữ liệu kinh tế tốt hơn mong đợi làm giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế. Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của Mỹ công bố vào thứ Năm dự kiến sẽ tăng nhẹ lên 3,3% do áp lực mang tính mùa vụ. Tuy thế, một số người vẫn hy vọng rằng chỉ số lạm phát lần này sẽ tạo ra thêm dư địa để Cục Dự trữ Liên bang giảm lãi suất.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn thận trọng cho rằng chu kỳ tăng lãi suất của ngân hàng trung ương vẫn có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tình trạng suy thoái. Việc Moody’s hạ xếp hạng các ngân hàng khu vực trong tuần này là lời cảnh báo rằng những tác động tiếp theo của chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ gây tổn hại cho một số lĩnh vực nhất định.
WeWork – công ty dịch vụ không gian làm việc chung do Softbank hỗ trợ – đã cảnh báo rằng họ có thể mất khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh, làm tăng thêm lo ngại trong lĩnh vực bất động sản thương mại. Đó sẽ là một áp lực khác đối với bảng cân đối kế toán của hệ thống ngân hàng.
Mỹ đã đạt được một số thành công trong công cuộc giảm lạm phát so với các thị trường phát triển khác, chẳng hạn như Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Theo CME Group, các thị trường hiện đang kỳ vọng 86,5% khả năng tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 9 của Fed và 13,5% khả năng lãi suất sẽ tăng 25 điểm cơ bản.
Tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu, thành viên ban điều hành ECB Fabio Panetta tuần trước cho biết chính sách tiền tệ “cần phải thận trọng” để giảm áp lực lạm phát mà không làm tổn hại đến tăng trưởng kinh tế.
Cả hai ngân hàng trung ương đều do dự trong việc tuyên bố chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ, và họ vẫn đang nhìn vào dữ liệu kinh tế để đưa ra quyết định.
ECB đã tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp, và Chủ tịch Christine Lagarde cảnh báo rằng tình hình kinh tế đang “xấu đi” khi Đức rơi vào suy thoái. Morgan Stanley cho biết về cuộc họp tháng 9: “Chúng tôi kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất lên 4% vào tháng 9, nhưng mức đó nhiều khả năng sẽ đẩy nền kinh tế EU vào suy thoái”.