Giá dầu thô đã giảm trong hai ngày qua.
USOIL – Đồ thị ngày
Giá dầu Mỹ đã giảm xuống ngưỡng hỗ trợ 77,70 USD, với ngưỡng hỗ trợ tiếp theo là 73,50 USD nếu tình trạng giảm giá tiếp tục diễn ra.
Giá dầu quay đầu giảm hôm thứ Hai sau khi Joe Biden tuyên bố ông sẽ không tranh cử nhiệm kỳ tổng thống Mỹ lần thứ hai. Các nhà đầu tư cũng cân nhắc triển vọng nhu cầu toàn cầu và khả năng cắt giảm lãi suất – có thể ngay sau tháng 9.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ xem xét lại chính sách tiền tệ của mình vào ngày 30-31/7, và các nhà đầu tư kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ duy trì mức lãi suất hiện tại. Tuy nhiên, thị trường cũng dự kiến một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Động thái trì hoãn cắt giảm lãi suất có thể dẫn đến suy thoái kinh tế, từ đó gây bất lợi cho giá dầu. Lãi suất cao hơn cũng làm tăng chi phí đi vay của người tiêu dùng và doanh nghiệp và ảnh hưởng đến nhu cầu dầu.
Giovanni Staunovo, nhà phân tích đến từ UBS chia sẻ: “Nếu chúng ta nhận thấy dấu hiệu sớm cắt giảm lãi suất, Fed có thể sẽ đưa ra quan điểm tích cực đối với các tài sản nhạy cảm với rủi ro như dầu mỏ”. Các nhà phân tích cũng cân nhắc ảnh hưởng của quyết định từ bỏ tranh cử của Joe Biden.
Suvro Sarkar, người đứng đầu phòng phân tích ngành năng lượng tại DBS Bank cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng khả năng của tổng thống Mỹ có thể tác động đến hoạt động sản xuất dầu của Mỹ có lẽ đã được đánh giá quá cao”, đồng thời lưu ý rằng sản lượng của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái bất chấp động thái của chính quyền Biden.
Sarkar nói thêm: “Xét về kịch bản cuộc bầu cử tác động như thế nào đến giá dầu, tôi cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của Trump có thể sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu ở Mỹ dựa trên lập trường bài xích xe điện của ông ấy”.
Những yếu tố tiêu cực này có thể trung hoà lại một số yếu tố hỗ trợ cho thị trường dầu nhờ chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+. Chính sách không hạn chế sản lượng dầu ở Mỹ có thể làm giảm giá dầu, tuy nhiên nó có thể gây ra tác động ngoài ý muốn là buộc các nhà sản xuất nhỏ phải ngừng hoạt động.
Ở một khía cạnh khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế 4,7% của Trung Quốc trong Q2 – một con số thấp hơn kỳ vọng – đã làm dấy lên mối lo ngại về nhu cầu dầu trong nước và tiếp tục gây áp lực lên giá dầu vào tuần trước. Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới đã phải vật lộn để phục hồi nền kinh tế kể từ khi lệnh phong tỏa do đại dịch khiến giá dầu không thể bứt phá trong hai năm qua.
Như chúng ta đã thấy trước đây, OPEC có thể sẽ phải thực hiện những thay đổi chính sách mạnh mẽ hơn nếu dầu giảm xuống dưới 70 USD. Trước đó tổ chức này đã đặt mục tiêu giá dầu Mỹ là 80 USD.