Số liệu lạm phát của Mỹ công bố vào ngày thứ Ba thấp hơn dự kiến, dẫn đến việc lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm và thị trường cổ phiếu tăng vọt.
SP500 – Đồ thị ngày
Chỉ số S&P 500 đã tăng 80 điểm lên trên mức 4.500 sau khi dữ liệu lạm phát được công bố, với mức cao nhất trong tháng 7 đạt gần 4.610.
Tỷ lệ lạm phát đo bởi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 10 đã giảm xuống 3,2% so với cùng kỳ năm trước – thấp hơn mức 3,7% trong tháng 9 và là mức thấp nhất ghi nhận kể từ tháng 7.
CPI cũng không thay đổi trong tháng 10 sau khi tăng 0,4% trong tháng 9. CPI lõi – thước đo lạm phát loại trừ giá thực phẩm và năng lượng với độ biến động cao – đã tăng 4%, đánh dấu một bước cải thiện khác.
Lạm phát của Mỹ đã giảm từ mức cao nhất trong 40 năm là 9,1% ghi nhận vào tháng 6 năm 2022. Các nhà đầu tư đã chờ đợi con số này với hy vọng Cục Dự trữ Liên bang đã hoàn tất lộ trình tăng lãi suất. Nhiều nhà đầu tư hiện tin rằng động thái tiếp theo của ngân hàng trung ương sẽ là cắt giảm lãi suất.
Chỉ số năng lượng giảm 4,5%, và giá ô tô đã qua sử dụng vốn tăng mạnh sau đại dịch cũng đã giảm xuống. Tương tự, giá vé máy bay cũng hạ nhiệt. Lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang, nhưng các nhà phân tích tin rằng ngân hàng trung ương đã thực hiện xong các biện pháp nhằm giảm lạm phát. Dự đoán đó có thể thay đổi nếu giá dầu trở lại xu hướng tăng một lần nữa.
Tỷ phú, đồng thời là nhà quản lý quỹ phòng hộ David Einhorn đã nhận xét về rủi ro giá dầu tăng. Trong lá thư đầu tư mới nhất của mình, ông viết:
“Giá dầu cao hơn sẽ gây áp lực lên người tiêu dùng và có thể gây ra suy thoái kinh tế. “Lạm phát tăng trở lại cũng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang rơi vào tình thế nan giải khi vừa phải chống lại giá cả tăng trở lại vừa giải quyết vấn đề tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, khiến triển vọng thị trường rất đáng lo ngại.
Ông nói thêm: “Nếu chúng tôi dự đoán đúng, căng thẳng địa chính trị cực độ hiện nay sẽ dẫn đến giá cổ phiếu giảm trong khoảng thời gian dài hơn”.
Thomas Barkin, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Richmond không tin rằng lạm phát đang trên con đường hướng tới mục tiêu 2%, mặc dù dữ liệu mới nhất cho thấy “bước tiến thực sự”.
Barkin chia sẻ: “Tôi chỉ không tin rằng việc kiểm soát lạm phát trở về mức 2% đang diễn ra suôn sẻ.”
Barkin cho biết: “Các con số lạm phát đã giảm, nhưng phần lớn sự sụt giảm là do mức giá nền trong thời kỳ Covid tăng quá cao, khi cung thắt chặt và cầu tăng cao. Lạm phát tiêu dùng cho sinh hoạt vẫn cao hơn mức lịch sử, lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ cũng vậy.”
Tuy nhiên, “các doanh nghiệp sẽ không giảm giá bán hàng cho đến khi họ buộc phải làm vậy”, điều này có thể dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm hơn. “Tôi nhìn thấy dấu hiệu nền kinh tế chậm lại”, ông nói thêm.