mục lục:
1. Giảm phát là gì?
2. Nguyên nhân gây ra giảm phát
3. Tác động của giảm phát
4. 2 ưu điểm và 2 nhược điểm của giảm phát
5. Các đợt giảm phát trong lịch sử
6. So sánh giữa giảm phát và lạm phát
7. Giảm phát có nhiều tác động tiêu cực hơn lạm phát?
8. Cách sinh lời trong thời giảm phát
9. Làm quen với giao dịch trong giai đoạn giảm phát thông qua Tài khoản demo
Giảm phát là gì?
Giảm phát là hiện tượng sụt giảm giá hàng hóa và dịch vụ nói chung. Khi tỉ lệ lạm phát dưới mức 0%, mặt bằng giá giảm sẽ làm tăng giá trị thực của đồng tiền theo thời gian. Thoạt nhìn, điều này có vẻ có lợi vì nó tăng sức mua của đồng tiền, nhưng tác hại của nó có thể rất sâu xa. Vì tình trạng giảm phát có sức ảnh hưởng sâu rộng đến mọi thứ từ tiết kiệm cá nhân đến sự ổn định kinh tế toàn cầu, nên việc hiểu rõ nó là rất quan trọng đối với các nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách và cả đại chúng.
Giảm phát xảy ra khi mức giá hàng hóa và dịch vụ giảm liên hồi, và thường ta sẽ dựa vào chỉ số CPI (Chỉ số giá tiêu dùng) để xác định. Hiện tượng kinh tế này khác với việc sụt giảm giá tạm thời vì nó kéo dài theo thời gian và không chỉ tác động đến riêng từng mảng mà là cả một nền kinh tế. Nguyên nhân gây ra giảm phát thường xuất phát từ việc thiếu hụt nguồn tiền hoặc tín dụng, hoặc do nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tụt dốc từ nhiều tác nhân khác nhau, trong đó bao gồm lãi suất tiết kiệm tăng, lòng tin người tiêu dùng giảm, hoặc sự xuất hiện của các bước tiến công nghệ giúp giảm chi phí sản xuất.
Nguyên nhân gây ra giảm phát
Nhiều tác nhân, chủ yếu liên quan đến thay đổi trong cung cầu, có thể dẫn đến giảm phát. Khuynh hướng thắt chặt chi tiêu thường xảy ra do tình trạng bất ổn tài chính hoặc lãi suất tiết kiệm gia tăng, hoặc cung vượt cầu. Hơn nữa, các bước tiến công nghệ có thể giảm thiểu giá thành sản phẩm và chi phí sản xuất, thúc đẩy giảm phát. Tùy vào bối cảnh tài chính, các tác nhân này có thể đan xen với nhau một cách rất tinh vi.
Ngoài ra, giảm phát cũng có thể phát khởi từ các khuynh hướng kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như mức độ cạnh tranh toàn cầu ngày càng cam go hoặc thay đổi trong chính sách thương mại làm giảm giá thành hàng hóa nhập khẩu. Bên cạnh đó, các biện pháp thắt lưng buộc bụng tài chính của chính phủ, bao gồm cắt giảm chi tiêu công cộng và tăng các loại thuế, có thể kìm hãm hoạt động kinh tế và khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, từ đó làm rớt giá hơn nữa. Một tác nhân quan trọng góp phần gây ra giảm phát chính là đồng tiền có giá, thúc đẩy hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn và các sản phẩm nội địa không phải chịu cạnh tranh gắt gao tại nước ngoài, khiến việc rớt giá càng trầm trọng thêm. Từng tác nhân kể trên có thể góp phần gây ra giảm phát trong thời gian dài, tác động đến mọi phương diện từ hành vi tiêu dùng đến các chính sách kinh tế nói chung, và cần phải có sự phản hồi đến từ cả cộng đồng quốc tế mới có thể giải quyết một cách hiệu quả.
Tác động của giảm phát
Giảm phát tác động đến nhiều phương diện. Ảnh hưởng chủ yếu của nó là khiến giá thành tiêu dùng giảm. Nhưng nếu giảm phát kéo dài, nó sẽ bóp nghẹt lợi nhuận trong kinh doanh, dẫn đến sự suy yếu trong tuyển dụng và thu nhập. Kết quả là mọi người sẽ thắt chặt chi tiêu, tạo ra một vòng lặp luẩn quẩn có thể kích hoạt cuộc suy thoái kinh tế. Giảm phát cũng có thể gia tăng chi phí trả nợ hiện hữu, từ đó khiến nguy cơ vỡ nợ ở cấp độ tài chính dễ xảy ra hơn.
Ngoài ra, giảm phát cũng có thể dẫn đến tình trạng trì hoãn tiêu thụ hoặc đầu tư. Khi giá cả ngày càng giảm, người tiêu dùng lẫn đơn vị kinh doanh có thể sẽ tạm dừng mua với hy vọng giá có thể giảm sâu hơn trong tương lai. Việc trì hoãn chi tiêu này sẽ khiến tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn vì sản xuất sẽ chậm lại, dẫn đến việc giảm mức lương và lực lượng lao động, từ đó giảm sức mua của người tiêu dùng hơn nữa. Bên cạnh đó, tình trạng bất định do giá thành giảm cũng có thể dẫn đến lòng tin giảm sút nơi người tiêu dùng, khiến thị trường biến động dữ dội hơn. Các tổ chức tài chính có thể sẽ ngại rủi ro hơn, thắt chặt điều kiện tín dụng và gói ghém dòng tiền đổ vào nền kinh tế hơn nữa, từ đó cản trở tăng trưởng và đổi mới trong kinh tế. Nếu không có sự can thiệp của các nhà hoạch định chính sách thì sẽ khó hồi phục từ chu kỳ kinh tế tiêu cực này.
2 ưu điểm và 2 nhược điểm của giảm phát
Ưu điểm
Giá thành giảm, sức mua tăng
Dù tiềm ẩn nhiều bất lợi, tình trạng giảm phát vẫn mang lại một số thay đổi tích cực. Khi giá cả giảm trên diện rộng, người tiêu dùng có thể sẽ nhận ra họ nhận được giá trị cao hơn với cùng một số tiền. Sức mua tăng như vậy mở ra nhiều cơ hội để mua những món hàng hoặc dịch vụ mà trước đó nằm ngoài khả năng tài chính của họ, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống của từng cá nhân.
Chi phí thấp hơn thúc đẩy xuất khẩu trong nền kinh tế toàn cầu hóa
Khi giảm phát xảy ra, giá thành hàng hóa trong nước cũng giảm theo, tạo điều kiện cho các nhà máy giảm chi phí sản xuất. Điều này có thể giúp tăng thế mạnh cạnh tranh xuất khẩu của một quốc gia trên thương trường quốc tế, gia tăng doanh thu xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại.
Nhược điểm
Doanh thu sa sút, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân lực và mức đầu tư
Một trong những phương diện đáng lo ngại nhất của giảm phát là nguy cơ suy thoái kinh tế. Khi giá thành giảm, thu nhập của các doanh nghiệp sẽ giảm, dẫn đến tình trạng mất việc làm và hạn chế đầu tư vào các dự án hoặc công nghệ mới. Tình trạng này có thể khiến các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí để duy trì khả năng sinh lời, và vòng lặp này sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Các áp lực hết sức tiêu cực này có thể giảm tốc tăng trưởng kinh tế và kéo dài giai đoạn suy thoái.
Người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể trì hoãn mua hàng để chờ giá giảm hơn nữa
Giảm phát có thể mang lại hai hệ quả đối nghịch nhau: dù sức mua tăng nhưng người tiêu dùng lại hoãn việc chi tiêu vì hy vọng giá sẽ rớt mạnh hơn nữa. Tình trạng này được gọi là vòng xoáy tiêu cực, khiến các doanh nghiệp phải giảm giá bán hơn nữa, và chu kỳ cứ thế lặp lại.
Các doanh nghiệp cũng có thể sẽ trì hoãn việc đầu tư vào công nghệ hoặc nâng cấp tư liệu sản xuất vì nghĩ rằng chi phí sẽ giảm hơn nữa trong tương lai. Quyết định mua chậm trễ này khiến ngành công nghệ cũng lao đao theo và tốc độ phát triển kinh tế giảm sút.
Các đợt giảm phát trong lịch sử
Cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930
Nắm rõ những sự kiện giảm phát xảy ra trong quá khứ, chẳng hạn như cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930, là một điều thiết yếu để có cái nhìn thấu suốt hơn về hiện tượng kinh tế này. Đại khủng hoảng bắt đầu từ sự sụp đổ thị trường chứng khoán vào năm 1929 và kéo dài suốt thập niên 1930, đỉnh cao là giảm phát. Giá cả và mức lương sụt giảm mạnh do hàng loạt người mất việc và mức độ tiêu dùng cũng tụt không phanh. Giai đoạn giảm phát này còn bơm giá trị thực của các khoản nợ, khiến cá nhân và công ty khó lòng trả hết nợ nần. Điều này tiếp nối vòng lặp của việc thắt chặt chi tiêu và cố gắng tiết kiệm hơn, đẩy cả nền kinh tế vào cảnh suy thoái nặng nề. Thông qua việc học hỏi từ các sự kiện lịch sử, chúng ta có thể sẵn sàng hơn và điều tiết tác động của các giai đoạn giảm phát trong tương lai.
Ví dụ, từ 1929 đến 1933, nước Mỹ đã chứng kiến giá cả sụt mạnh đến 25%, khiến áp lực từ nợ nần và thế chấp trở nên nặng nề hơn nhiều, dẫn đến tình trạng tịch thu tài sản và phá sản tràn lan.
“Thập kỷ mất mát” tại Nhật vào những năm 1990
Bài học từ Nhật Bản vào thập niên 1990 là một ví dụ điển hình cho thấy giảm phát có thể tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế ra sao. Vào đầu thập kỷ này, bong bóng giá tài sản đã vỡ tại Nhật, kéo theo một giai đoạn giảm phát dài đằng đẵng cho đến tận những năm 2000. Đợt giảm phát này được khơi mào bởi tình trạng giá cả giảm, dù rằng ban đầu việc này dường như mang lại lợi ích nhưng sau đó đã khiến thu nhập của doanh nghiệp giảm theo, cùng với sự trì hoãn đầu tư do thị trường suy yếu. Kết quả là nền kinh tế trì trệ, và những nỗ lực khôi phục nó cũng trở nên phức tạp hơn do tư duy ngại chi tiêu và đầu tư rất điển hình của thời giảm phát.
Trong thời kỳ này, giá bất động sản và thị trường chứng khoán giảm sâu, và mặc cho lãi suất thấp, sự tăng trưởng kinh tế vẫn ì ạch do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và doanh nghiệp ái ngại đầu tư.
Các yếu tố khác cần cân nhắc
Hai sự kiện lịch sử trên đã cho thấy giảm phát có thể kích hoạt chu kỳ suy thoái kinh tế ra sao. Người tiêu dùng và doanh nghiệp mong chờ giá giảm sâu hơn cũng hứng chịu những tác động tâm lý, kéo dài giai đoạn thắt lưng buộc bụng và làm trầm trọng hóa thêm nền kinh tế vốn đã trì trệ. Các ví dụ trên cũng chỉ ra những khó khăn của các nhà hoạch định chính sách trong việc điều tiết giảm phát và những biện pháp hiện thời (như giảm lãi suất gần bằng 0) nhưng vẫn khó lòng đạt hiệu quả. Cũng vì tâm lý trông chờ chi phí thấp hơn trong tương lai, các doanh nghiệp có thể sẽ trì hoãn việc đầu tư vào công nghệ hoặc tư liệu sản xuất, khiến cả ngành công nghệ cũng như tăng trưởng kinh tế bị chững lại.
So sánh giữa giảm phát và lạm phát
Dẫu rằng giảm phát và lạm phát dường như là hai hiện tượng đối nghịch nhau, nhưng cả hai đều liên quan đến việc thay đổi giá hàng hóa và dịch vụ. Như đã đề cập, giảm phát là khi giá thành chung của hàng hóa và dịch vụ giảm trên diện rộng, còn lạm phát thì ngược lại – khi chi phí sinh sống tăng cao. Cả giảm phát và lạm phát, khi đã trở nên nghiêm trọng đều có thể gây hại cả nền kinh tế, nên các nhà hoạch định chính sách thường mong muốn duy trì một tỉ lệ lạm phát bình ổn.
Giảm phát và lạm phát ảnh hưởng đến nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau, dễ thấy nhất là đối với hành vi của người tiêu dùng và hoạt động của doanh nghiệp. Trong thời kỳ giảm phát, người tiêu dùng có thể thấy hân hoan với giá thành giảm, vì họ có thể mua được nhiều hơn với số tiền rẻ hơn. Tuy nhiên, khi giá cứ giảm mãi, mọi người bắt đầu trì hoãn hoạt động mua sắm vì mong chờ giá sẽ giảm sâu hơn. Điều này khiến nhu cầu chung của toàn dân giảm theo và hoạt động kinh tế giảm tốc. Từ đó, các doanh nghiệp buộc phải sản xuất ít hơn, cắt giảm nhân lực, và giảm mức lương, tạo ra một chu kỳ giảm tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, lạm phát làm yếu đi sức mua của đồng tiền, khiến giá cả tăng cao, nhưng nó cũng có thể thúc đẩy mọi người tranh thủ mua sắm, đầu tư trước khi giá thành tăng cao hơn nữa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cả hai bối cảnh này đều có thách thức riêng, nhưng có lẽ giảm phát đặc biệt khó kiểm soát vì nó là một chuỗi phản ứng liên hoàn theo chiều đi xuống, và một khi đã khởi phát thì khó mà quay lại.
Đọc thêm về nguyên nhân dẫn đến lạm phát
Giảm phát có nhiều tác động tiêu cực hơn lạm phát?
Để biết được liệu giảm phát có tồi tệ hơn lạm phát hay không thì cũng còn tùy vào bối cảnh kinh tế đặc thù và tình trạng giá thay đổi kéo dài trong bao lâu. Một vài nhà kinh tế cho rằng giảm phát sẽ khó kiểm soát hơn và có thể kéo dài suy thoái kinh tế, như ví dụ của Nhật Bản ngày xưa. Nhiều người cũng chỉ ra rằng lạm phát nghiêm trọng cũng có thể khiến kinh tế ì ạch, như đã chứng kiến ở nhiều quốc gia đang phát triển.
Cách sinh lời trong thời giảm phát
Giảm phát có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và cũng rất khó dự đoán thời điểm bùng phát của nó. Vì thế, để có được lớp bảo vệ an toàn dù nền kinh tế có biến động gì chăng nữa, hãy lập kế hoạch đa dạng hóa danh mục đầu tư, trong đó vừa có các khoản đầu tư mang về nhiều lợi nhuận nếu giảm phát xảy ra, vừa có các khoản khác phù hợp với khi có lạm phát.
Các nhà giao dịch có thể đầu tư vào trái phiếu cấp đầu tư (Investment-grade) và cổ phiếu có lãnh cổ tức hoặc giữ tiền mặt. Ngoài ra, hàng hóa cũng là một hạng mục an toàn.
Ví dụ: Vàng lâu nay đã được sử dụng như một chiến lược phòng ngừa giảm phát và lạm phát.
Học cách giao dịch vàng qua 10 bước
Làm quen với giao dịch trong giai đoạn giảm phát thông qua Tài khoản demo
Nếu bạn chưa sẵn sàng giao dịch thực, chúng tôi có cung cấp tài khoản demo với vốn ảo lên đến 50.000 USD, giúp bạn có điều kiện thực hành kiến thức của mình mà không phải chịu rủi ro tài chính.
Ví dụ, một người thực hiện một giao dịch có thể khiến anh ta mất 500 USD ngoài đời thực. Khi dùng tài khoản giao dịch demo, bạn không mất tiền thật mà vẫn học được một bài học giá trị. Thiết kế nền tảng giao dịch ATFX bản demo cũng tương tự như tài khoản thực, để bảo đảm người dùng làm quen với các công cụ và tính năng trước khi chuyển sang giao dịch thực.