Chính sách kinh tế của Trump: Tác động đến thị trường chứng khoán và Forex
Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Thị trường tài chính sau đó đã phản ứng bằng những biến động mạnh mẽ, trong bối cảnh các nhà đầu tư và nhà giao dịch đánh giá những tác động của việc ông trở lại nắm quyền sau nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2016. Chiến thắng của ông báo hiệu sự chuyển hướng trở lại của chương trình nghị sự có lợi cho doanh nghiệp, tập trung vào hành động bãi bỏ quy định, cắt giảm thuế và các chính sách bảo hộ thương mại.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng phân tích xem các chính sách kinh tế chính của Trump có thể ảnh hưởng đến các thị trường tài chính quan trọng như thế nào, đặc biệt là giao dịch Forex , thị trường cổ phiếu Mỹ, cổ phiếu toàn cầu và triển vọng kinh tế vĩ mô.
Tác động đến thị trường Forex: Đồng đô la Mỹ mạnh lên sau chiến thắng của Trump năm 2024
Một trong những phản ứng tức thời nhất đối với chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024 của Trump là động thái tăng giá đáng kể của đồng đô la Mỹ (USD) trên khắp các thị trường toàn cầu.
Động thái tăng giá này phần lớn được hỗ trợ bởi kỳ vọng về chương trình nghị sự có lợi cho doanh nghiệp của Trump – bao gồm cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định và các chính sách được thiết kế để kích thích tăng trưởng nền kinh tế của Mỹ.
Các nhà đầu tư tin rằng các chính sách này sẽ nâng cao lợi nhuận của doanh nghiệp, cải thiện hoạt động kinh tế và thúc đẩy nhu cầu đối với đồng đô la Mỹ. Do đó, đồng USD đã tăng giá so với các đồng tiền chính – bao gồm Nhân dân tệ tại nước ngoài của Trung Quốc (CNH), Peso Mexico (MXN) và Euro (EUR) – phản ánh tâm lý lạc quan về hiệu suất kinh tế của Mỹ dựa theo các chính sách của chính quyền Trump.
Đồng USD mạnh lên
Với kỳ vọng về một nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ dưới thời Trump, đồng USD đã sẵn sàng để hưởng lợi. Các nhà đầu tư dự đoán rằng các chính sách thương mại và thuế quan của Trump sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận của các công ty Mỹ, từ đó thúc đẩy nhu cầu đồng đô la.
Đồng đô la Mỹ có khả năng tiếp tục tăng cao hơn nếu Trump thực hiện các kế hoạch áp dụng hàng rào thuế quan đối với hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc. Do đó, các nhà giao dịch Forex đang tìm cách nắm bắt cơ hội giao dịch khi đồng USD mạnh lên, đặc biệt là tương quan so với đồng CNY, MXN và EUR.
Áp lực lên đồng Nhân dân tệ tại nước ngoài của Trung Quốc (CNH)
Đồng Nhân dân tệ nước ngoài của Trung Quốc (USDCNH) đã suy yếu do thị trường quan ngại về căng thẳng thương mại tiềm ẩn. Chính quyền trước đây của Trump từng thực hiện chính sách tăng thuế đối với Trung Quốc. Với sự kiện ông tái đắc cử, nhiều khả năng ông sẽ thể hiện lập trường cứng rắn hơn – bao gồm kế hoạch đánh mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Do đó, các nhà giao dịch Forex có thể tìm thấy cơ hội giao dịch cặp USD/CNH bằng cách đặt cược vào khả năng suy yếu mạnh hơn của đồng Nhân dân tệ, bắt nguồn từ căng thẳng chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.
Giao dịch các cặp tiền chính: AUD/USD và USD/CNY
USD/CNH: Với các chính sách thương mại của Trump và rủi ro chiến tranh thương mại mà Trung Quốc đang phải đối mặt, cặp tiền USD/CNH có thể trở thành chỉ số quan trọng nhất để theo dõi trực tiếp sức mạnh của USD. Chiến lược thuế quan và lập trường bảo hộ của Trump có thể gây áp lực giảm đáng kể lên đồng Nhân dân tệ Trung Quốc (CNH), đồng thời thúc đẩy nhu cầu về Đô la Mỹ (USD). Các nhà giao dịch Forex có thể tận dụng những biến động tiền tệ này và ưu tiên giao dịch cặp USD/CNH.
AUD/USD: Một giao dịch khác có thể đại diện cho thị trường là cặp AUD/USD, với Đô la Úc (AUD) thường đóng vai trò là đồng tiền thanh khoản chính cho đồng Nhân dân tệ tại nước ngoài của Trung Quốc (CNH). Sự phụ thuộc lớn của Úc vào hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc – đặc biệt là các mặt hàng như quặng sắt, than đá và khí đốt tự nhiên – hàm ý rằng những thay đổi trong triển vọng kinh tế của Trung Quốc có thể tác động đáng kể đến đồng AUD. Khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, AUD thường phản ứng song song với CNY, vì cả hai đồng tiền đều chịu ảnh hưởng của môi trường thương mại và thị trường hàng hóa toàn cầu.
Do đó, nếu các chính sách kinh tế của Trump làm gia tăng biến động trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc, cặp AUD/USD cũng có thể trải qua biến động mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, nếu chính quyền Trump tập trung vào kế hoạch thúc đẩy sản xuất năng lượng trong nước, đồng đô la Úc có thể được hưởng lợi từ hệ quả giá hàng hóa toàn cầu tăng, từ đó tiếp tục ảnh hưởng đến động lực giao dịch cặp AUD/USD.
Tác động đến thị trường chứng khoán: Chương trình nghị sự ủng hộ doanh nghiệp của Trump ảnh hưởng tích cực đến thị trường cổ phiếu Mỹ
Sau chiến thắng bầu cử của Trump, thị trường cổ phiếu Mỹ đã tăng nhờ tâm lý lạc quan về các chính sách có lợi cho doanh nghiệp của ông. Các lĩnh vực chính như năng lượng, công nghệ và tài chính có thể được hưởng lợi nhiều nhất. Sự kết hợp của hành động bãi bỏ quy định, cắt giảm thuế và tập trung vào sản xuất năng lượng trong nước là nền tảng chủ đạo cho tâm lý lạc quan này.
Thị trường cổ phiếu Mỹ tăng vọt
Thị trường chứng khoán Mỹ – bao gồm S&P 500 , Dow Jones và Nasdaq – đã phản ứng tích cực với chiến thắng của Trump khi chứng kiến các chỉ số tăng lên đỉnh cao mới. Đà phục hồi đặc biệt đáng chú ý ở các lĩnh vực được hưởng lợi từ các chính sách của Trump. Cổ phiếu năng lượng (đặc biệt là dầu khí) và cổ phiếu công nghệ đang dẫn đầu, do các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào một môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp này.
Ngành năng lượng được tiếp sức
Sự ủng hộ của Trump đối với ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch được thể hiện qua khẩu hiệu chiến dịch “khoan, hãy tiếp tục khoan” của ông, bao gồm dầu và khí đốt tự nhiên, đã tác động tích cực đến các công ty như ExxonMobil và Chevron sau cuộc bầu cử. Động thái của chính quyền Trump nhằm xóa bỏ các hạn chế đối với sản xuất dầu khí trong nước và bãi bỏ các quy định về môi trường đã tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho các công ty năng lượng. Với trọng tâm là ủng hộ ngành năng lượng độc lập và giảm thiểu rào cản về quy định, nhóm cổ phiếu năng lượng được dự đoán sẽ ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, cải thiện lợi nhuận và mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên trong nước.
Ngành công nghệ chứng kiến tăng trưởng
Giá cổ phiếu của Tesla đã tăng vọt khi các nhà đầu tư đặt cược vào triển vọng sáng lạn của công ty sau khi Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng. Tâm lý lạc quan đến từ kỳ vọng giảm thiểu cạnh tranh từ các nhà sản xuất xe điện nhỏ hơn và hàng rào thuế quan cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc – điều này có thể mang lại lợi thế cho Tesla. Các chính sách có lợi cho doanh nghiệp của Trump, chẳng hạn như bãi bỏ quy định và cắt giảm thuế, cũng được coi là có lợi cho các công ty công nghệ khổng lồ, giúp nâng cao lợi nhuận và khuyến khích tái đầu tư vào đổi mới sáng tạo. Cụ thể, Tesla có thể hưởng lợi từ việc nới lỏng các quy định liên quan đến xe điện và năng lượng tái tạo.
Ngành tài chính thăng hoa
Cổ phiếu của JPMorgan Chase, Goldman Sachs và Bank of America đã tăng giá đáng kể, cùng với các chỉ số chung của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau chiến thắng của Trump. Các ngân hàng khu vực cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể khi các nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào một môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho lĩnh vực tài chính. Lập trường bãi bỏ các quy định của Trump được coi là động lực cho các tổ chức tài chính lớn, vì quy định ít hơn sẽ cho phép các ngân hàng chấp nhận nhiều rủi ro hơn và tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, kế hoạch cắt giảm thuế sẽ càng hỗ trợ thêm cho triển vọng lợi nhuận, giúp các ngân hàng này hoạt động cạnh tranh và hiệu quả hơn.
Tác động đến các chỉ số: Thị trường Mỹ vượt trội hơn các chỉ số toàn cầu
Trong khi thị trường cổ phiếu Mỹ phản ứng tích cực đối với chiến thắng của Trump, thị trường tài chính toàn cầu đang phải đối mặt với những trở ngại. Tác động của chính sách thương mại của Trump – đặc biệt là lập trường của ông về thương mại và thuế quan – có thể ảnh hưởng đến các thị trường ngoài Mỹ, đặc biệt là ở Châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản.
Chỉ số của Mỹ so với chỉ số toàn cầu
Khi Trump đẩy mạnh các chính sách “Nước Mỹ trên hết”, thị trường cổ phiếu Mỹ dự kiến sẽ có hiệu suất vượt trội hơn các chỉ số toàn cầu trong ngắn hạn đến trung hạn – được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan nhờ chính sách cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định và tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các thị trường châu Âu và châu Á – vốn dễ bị tổn thương hơn trước cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc hoặc thuế quan cao hơn – có thể tụt lại phía sau. Các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu của Mỹ hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu có thể phải đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm hơn, do đó thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm sự an toàn trong các tài sản của Mỹ. Điều này có thể thúc đẩy nhu cầu đối với cổ phiếu Mỹ và đồng đô la, vì các chính sách của Trump gây ra phản ứng trái chiều trên toàn cầu.
Căng thẳng chiến tranh thương mại đến từ Trump
Một trong những rủi ro lớn nhất trên thị trường toàn cầu là khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại mới, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Các chính sách thương mại hung hăng của Trump, bao gồm áp dụng thuế quan trên diện rộng đối với hàng hóa nước ngoài, có thể làm gia tăng căng thẳng với cả Trung Quốc và EU. Đề xuất áp thuế từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu, kết hợp với các mục tiêu nhắm đến cụ thể như ô tô, có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến lạm phát gia tăng và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nếu Trump thực hiện mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Trung Quốc có thể sẽ áp thuế trả đũa, tạo ra sự biến động trên khắp các thị trường toàn cầu. Điều này sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi như Mexico, Hàn Quốc và Brazil – những thị trường phụ thuộc nhiều vào thương mại với Mỹ và Trung Quốc. EU cũng dễ bị tổn thương trước chính sách thuế quan của Mỹ, và nó có thể kéo EU vào một cuộc xung đột thương mại có tầm vóc lớn.
Nước Anh hậu Brexit đã phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn để tìm cách vượt qua những rủi ro này, do mối quan hệ chặt chẽ của nước này với EU và nguy cơ bị cuốn vào cuộc chiến. Chủ nghĩa bảo hộ lớn mạnh hơn có thể làm cho thị trường toàn cầu mất ổn định, gây tổn hại đến các nền kinh tế nhỏ hơn và sinh ra rủi ro nghiêm trọng cho sự ổn định kinh tế toàn cầu.
Cơ hội giao dịch và rủi ro đối với nhà đầu tư
Trong khi triển vọng ngắn hạn của thị trường cổ phiếu Mỹ và đồng đô la là tích cực, rủi ro dài hạn vẫn còn tồn tại, đặc biệt là liên quan đến yếu tố lạm phát, nợ công tăng và bất ổn thương mại toàn cầu. Các chính sách ủng hộ doanh nghiệp của Trump có thể thúc đẩy kinh tế trong ngắn hạn, nhưng những tác động dài hạn của các cuộc chiến tranh thương mại và chính sách tài khóa của ông vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn.
Trump bãi bỏ quy định
Việc Trump liên tục thúc đẩy kế hoạch bãi bỏ quy định trong các lĩnh vực quan trọng – đặc biệt là năng lượng, tài chính và công nghệ – sẽ tạo ra những cơ hội tăng trưởng và đổi mới sáng tạo. Bằng cách giảm bớt rào cản hành chính và cho phép các doanh nghiệp có sự linh hoạt hơn trong hoạt động, chính sách bãi bỏ quy định có thể giúp giảm chi phí tuân thủ, nâng cao năng suất và kích thích đầu tư. Các công ty trong những lĩnh vực như dầu khí, dịch vụ tài chính và công nghệ có thể chứng kiến sự cải thiện đáng kể về lợi nhuận, từ đó thúc đẩy hiệu suất thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian tới. Môi trường này cũng có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm một môi trường thân thiện với doanh nghiệp tại Mỹ. Tuy nhiên, tính bền vững lâu dài của những lợi ích này phụ thuộc vào việc liệu chính sách bãi bỏ quy định có dẫn đến hậu quả tiêu cực không lường trước được hay không, chẳng hạn như rủi ro về môi trường hoặc hệ thống tài chính.
Rủi ro nợ công và lạm phát
Nợ quốc gia của Mỹ vẫn là mối quan tâm ngày càng thu hút sự chú ý dưới thời chính quyền Trump. Đề xuất cắt giảm thuế và tăng chi tiêu quốc phòng của ông có thể khiến thâm hụt ngân sách trầm trọng thêm, từ đó gây áp lực đẩy lãi suất lên cao hơn. Ngoài ra, sự kết hợp giữa chính sách tăng chi tiêu chính phủ và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, bao gồm thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các đối tác thương mại khác, có thể khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ phải chịu mức chi phí lớn hơn. Lạm phát tăng tốc làm xói mòn sức mua và làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng, và điều này sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho tăng trưởng kinh tế. Lạm phát cao hơn cũng có thể dẫn đến hành động thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang, từ đó làm chậm đà tăng của thị trường chứng khoán và tăng chi phí đi vay.
Kết luận: Tâm lý lạc quan trong thời kỳ bất ổn
Chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2024 của Donald Trump đã dẫn đến động thái tăng giá mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Mỹ và đồng đô la Mỹ, được hỗ trợ bởi kỳ vọng về chính sách cắt giảm thuế, bãi bỏ quy định và chương trình nghị sự có lợi cho doanh nghiệp – bao gồm mục tiêu ngành năng lượng độc lập. Các lĩnh vực chính như năng lượng, công nghệ và tài chính dự kiến sẽ tăng trưởng trong ngắn hạn, trong khi thị trường toàn cầu phải đối mặt với rủi ro từ các cuộc chiến tranh thương mại tiềm ẩn, hàng rào thuế quan và căng thẳng địa chính trị.
Bất chấp tâm lý lạc quan trên thị trường Mỹ, mối lo ngại về lạm phát gia tăng, nợ công và tính ổn định của nền kinh tế trong dài hạn vẫn còn tồn tại. Các nhà đầu tư cần duy trì thái độ tích cực nhưng thận trọng, cân bằng các cơ hội thị trường ngắn hạn với rủi ro biến động và bất ổn trong nền kinh tế nói chung.